Với trẻ viêm phổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi nếu như không được điều trị đúng cách rất dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi, áp xe phổi, thậm chí nguy hiểm nhất là biến chứng tử vong. Do đó, phụ huynh nên chủ động trang bị những kiến thức cần thiết về bệnh để có thể phòng ngừa và điều trị kịp thời. .
1. Nhận biết triệu chứng viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng ở bên trong phổi do các tác nhân chính như virus, vi khuẩn xâm nhập và sinh sôi trong phổi tạo ra những ổ nhiễm trùng. Trong đó, các tác nhân thường gặp nhất có thể kể đến phế cầu khuẩn, nấm hay một số loại virus khác.
Viêm phổi thường xuất hiện khi trẻ bị ho hoặc có dấu hiệu cảm cúm. Lúc này, dịch nhầy tiết ra từ trong phổi trở thành nguồn dinh dưỡng béo bở cho vi trùng, giúp vi trùng nhanh chóng phát triển chỉ sau một thời gian ngắn và từ đó hình thành nên những túi phế nang chứa mủ.
Các triệu chứng viêm phổi ở trẻ sơ sinh và trẻ lớn thường không giống nhau, cụ thể như sau:
1.1. Các triệu chứng viêm phổi ở nhóm trẻ sơ sinh
– Sốt, có trường hợp trẻ sốt cao lên tới hơn 39 độ C
– Mệt mỏi, khó chịu, có khi ngủ li bì cả ngày
– Khó thở, thở nhanh hơn mức bình thường, khi thở dùng cả bụng để co bóp nhằm cố gắng lấy nhiều oxy để thở
– Ho khan, thường là vào thời gian đầu, giai đoạn sau ho ra đờm, đờm màu trắng hoặc màu xanh rồi ngả vàng
– Lười bú, bỏ bú
– Một số dấu hiệu khác như ức bụng, nôn trớ, tiêu chảy
1.2. Các triệu chứng viêm phổi ở trẻ lớn hơn
– Thở nhanh, nhịp thở trên 40 lần/phút, đôi khi còn thở rít hoặc thở khò khè
– Đau, tức ngực, đặc biệt là trong lúc ho
– Khô môi, đầu móng tay chuyển xanh hoặc xám
2. Các biến chứng có thể xảy ra ở viêm phổi
Viêm phổi ở trẻ có diễn biến rất nhanh, bệnh có thể nhanh chóng chuyển từ nhẹ sang nặng. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như:
– Nhiễm trùng huyết: Là tình trạng vi khuẩn gây bệnh viêm phổi xâm nhập vào hệ tuần hoàn dẫn đến nhiễm trùng máu cũng như sốc biến chứng nhiễm trùng. Biến chứng này thường rất khó điều trị, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ và cũng dễ gây tử vong.
– Tràn mủ màng phổi gây khó khăn trong hô hấp, lượng bạch cầu thường tăng cao và xuất hiện tình trạng kháng thuốc
– Viêm màng não gây tổn thương não vĩnh viễn, thậm chí còn có thể đe dọa tính mạng của trẻ
– Hội chứng suy hô hấp cấp gây áp xe phổi, viêm phổi mạn tính và suy giảm hệ miễn dịch
– Viêm phổi ở trẻ có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tuần hoàn dẫn đến nguy cơ tràn dịch màng tim, trụy tim
3. Phương pháp điều trị viêm phổi ở trẻ thế nào?
Khi nhận thấy ở trẻ xuất hiện các triệu chứng viêm phổi như trên, tốt hơn hết, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám với các bác sĩ chuyên khoa để được thực hiện chẩn đoán và xét nghiệm như: Chụp X-quang, xét nghiệm máu. Sau khi có kết luận chính xác, tùy thuộc vào giai đoạn và nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ có thể triển khai hướng điều trị khác nhau. Ví dụ như với viêm phổi do vi khuẩn thì bé sẽ được chỉ định uống thuốc kháng sinh. Nếu viêm phổi do tác nhân là virus gây ra thì bên cạnh việc sử dụng thuốc để hỗ trợ điều trị, trẻ cần nghỉ ngơi và bổ sung nhiều nước. Với viêm phổi do nấm thì có thể sử dụng thuốc chống nấm để điều trị.
Phụ huynh lưu ý tuyệt đối không được tự ý điều trị viêm phổi cho trẻ tại nhà nếu như chưa có sự cho phép của các bác sĩ chuyên khoa bởi điều trị sai cách rất dễ dẫn đến hiện tượng kháng thuốc, trẻ xuất hiện các dấu hiệu nhiễm vi khuẩn bị nhiễu. Ngoài ra, bố mẹ lưu ý không tự ý dùng thuốc giảm ho bởi trong một số trường hợp, ho là phản xạ tốt để có thể tống chất đờm ra khỏi đường thở, làm đường thở thông thoáng.
Đồng thời, gia đình có thể kết hợp một số biện pháp điều trị hỗ trợ khác như:
– Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc sử dụng các dụng cụ hút mũi để lấy chất nhầy ở trong mũi
– Trường hợp trẻ bị sốt trên 38 độ C đi kèm các biểu hiện khó chịu, quấy khóc thì nên dùng thuốc hạ sốt Paracetamol theo hướng dẫn của các bác sĩ. Bên cạnh đó, cũng không được cho trẻ uống thuốc chống viêm bởi những loại thuốc này có thể dẫn tới hội chứng Reye- hội chứng gây tử vong ở trẻ em
– Chú ý đến dinh dưỡng hàng ngày của trẻ, bổ sung nhiều nước
– Giữ không khí và nhiệt độ trong phòng có nhiệt độ và độ ẩm phù hợp, tránh không cho trẻ nằm máy lạnh ở nhiệt độ quá thấp, nhiệt độ thấp nhất là trên 29 độ. Cần cho trẻ tái khám mỗi ngày hoặc theo đình kỳ 2 ngày/lần theo chỉ định của bác sĩ
– Cần đặc biệt lưu ý, với trường hợp trẻ bị viêm phổi nặng, xuất hiện các dấu hiệu khó thở, co rút lồng ngực thì lúc này trẻ cần được nhập viện để điều trị
4. Chủ động phòng ngừa viêm phổi cho trẻ từ sớm
Để phòng ngừa viêm phổi cho trẻ từ sớm, bố mẹ có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây:
– Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván, phế cầu, cúm
– Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, tránh để trẻ phải tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như: khói thuốc, người có bệnh về đường hô hấp
– Cho trẻ súc họng bằng nước muối sinh lý, nhỏ nước muối sinh lý, đặc biệt là sau khi trẻ ra ngoài đường tiếp xúc với khói bụi. Nên mang khẩu trang cho trẻ để tránh việc hít phải khói bụi khi ra đường
– Nên cho trẻ bú sữa mẹ từ ngay sau khi sinh đến 2 tuổi bởi sữa mẹ có tác dụng tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch, giúp trẻ phát triển tốt hơn
Nhìn chung, trẻ viêm phổi nếu không điều trị đúng cách và kịp thời thì khả năng dẫn đến biến chứng là vô cùng cao. Do đó, tốt hơn hết phụ huynh nên đưa trẻ đến thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa ngay từ thời điểm phát hiện các dấu hiệu của bệnh. Khoa Nhi- Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI hiện đang tiếp nhận thăm khám và điều trị tất cả các bệnh lý về Nhi, trong đó có viêm phổi. Với đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng tận tâm và chuyên nghiệp, cùng sự hỗ trợ đắc lực từ hệ thống trang thiết bị hiện đại, tân tiến hàng đầu, Thu Cúc TCI tự hào là địa chỉ tin cậy được hàng ngàn bố mẹ lựa chọn.
Nguồn Tham Khảo: BV Thu Cúc VN