EQ là gì? Đặc điểm của người có EQ thấp và EQ cao

EQ – Emotional Quotient – chỉ số thông minh cảm xúc được các nhà tâm lý học sử dụng để đánh giá khả năng kiểm soát cảm xúc bản thân cũng như trong các mối quan hệ xã hội.

Một trong những ngộ nhận lớn nhất của chúng ta là đánh giá quá cao về chỉ số thông minh IQ. Những người có IQ cao thường được cho là sẽ thành công và hạnh phúc hơn những người có IQ trung bình hoặc thấp. Trong mắt của những người khác, người có IQ cao mặc định sẽ biết cách kiểm soát cảm xúc của bản thân tốt hơn đồng thời đối nhân xử thế khéo léo hơn và vì thế sẽ được lòng mọi người hơn.

EQ trí thông minh cảm xúc

Trên thực tế, chỉ số thông minh IQ vốn thiên về lý tính và logic không liên quan tới khả năng kiểm soát cảm xúc hoặc xã giao với mọi người. Những bác học hoặc những nghệ sĩ thiên tài phần lớn đều được đánh giá là khá khó gần và tính khí thất thường mặc dù họ có thể được nhiều người ngưỡng mộ về trí thông minh hoặc tài năng.

Để đánh giá khả năng kiểm soát cảm xúc bản thân cũng như trong các mối quan hệ xã hội, các nhà tâm lý học sử dụng chỉ số thông minh cảm xúc (Emotional Quotient-EQ) như một thước đo chứ không phải là IQ như chúng ta vẫn lầm tưởng.

I. EQ là gì?

EQ (Emotional Quotient) là chỉ số cảm xúc của một người thể hiện khả năng nhận biết, đánh giá và điều tiết cảm xúc của bản thân và của người khác. Khả năng này được thể hiện qua hai loại trí thông minh interpersonal intelligence (trí thông minh đối nhân xử thế) và intrapersonal intelligence (trí thông minh nội tâm).

EQ của một người dùng để đánh giá 5 khả năng sau đây:

  1. Khả năng am hiểu bản thân: Khả năng hiểu rõ về những sở trường, sở đoản, sở thích, cá tính và trực giác của bản thân.
  2. Khả năng kiểm soát bản thân: Khả năng kiềm chế cảm xúc và hành vi, tự giải tỏa những cảm xúc tiêu cực và giải quyết mâu thuẫn nội tại để chống trầm cảm.
  3. Khả năng tự tạo động lực: Khả năng tự động viên khuyến khích mình vượt qua khó khăn và đạt được mục tiêu đã đặt ra.
  4. Khả năng cảm thông: Khả năng thấu hiểu cảm xúc, nhu cầu, hoàn cảnh và những quan tâm của người khác.
  5. Kỹ năng xã giao: Khả năng gây cảm tình, thuyết phục, đàm phán, giải quyết mâu thuẫn, động viên người khác.

II. Những đặc điểm của một người có EQ thấp

Những người có IQ cao không nhất thiết sẽ có EQ cao và ngược lại. Những người có chỉ số EQ thấp thường có phần lớn những đặc điểm sau đây:

1. Không kiểm soát được cảm xúc của bản thân và thường bị cảm xúc của bản thân chi phối

Người có EQ thấp thường vui buồn vô cớ và thường có khuynh hướng phóng đại những cảm xúc này lên. Khi vui hoặc buồn, họ thường không kiểm soát được lời nói và hành vi của mình. Hành động hay quyết định của họ thường dựa vào cảm xúc chứ ít khi nào do lý trí làm chủ. Vì quá chú trọng đến cảm xúc của bản thân, họ thường có khuynh hướng không quan tâm đến cảm xúc của người đối diện. Khi gặp những chuyện không vừa ý, họ thường có khuynh hướng phóng đại những cảm giác tiêu cực như đau khổ, oán hận, ghen ghét…và có những hành động tiêu cực tương ứng như khóc lóc, vật vã, gào thét…

Tìm hiểu thêm:  Viêm họng ở trẻ nhỏ và những điều cần biết

2. Dễ bị những điều kiện ngoại cảnh tác động đến cảm xúc và lý trí

Người có EQ thấp có khả năng dự trù tình huống và chuẩn bị tâm lý kém vì thế họ rất dễ mất bình tĩnh và hành động cảm tính khi rơi vào những tình huống không như ý muốn. Trong tranh luận, họ dễ bị lôi kéo vào những cuộc tranh cãi vô bổ mang nặng tính thắng thua. Cảm xúc, suy nghĩ và hành động của người có EQ kém thường bị phụ thuộc vào cảm xúc và hành vi của người đối thoại với họ mà ít khi do chính bản thân họ điều tiết. Khi gặp những cú sốc về mặt tâm lý họ có khuynh hướng sử dụng chất kích thích như thuốc lá, bia rượu hoặc các loại chất ma túy. Người có EQ thấp có khuynh hướng mê tín dị đoan trong tôn giáo: thích cúng bái, bói toán, cầu tài lộc hơn là tìm hiểu giáo lý của tôn giáo mình theo vì đối với họ việc thực hiện những nghi thức cúng bái mang lại sự thỏa mãn về tâm lý hơn là việc tự mình chiêm nghiệm.

3. Có khả năng quản lý công việc kém

Người có EQ thấp có năng lực phán đoán tình huống và quản lý rủi ro trong công việc kém. Họ thường thiếu sự kiên trì và tinh thần kỷ luật để có thể theo đuổi một kế hoạch đòi hỏi sức bền. Khi làm việc, họ sẽ quyết định tùy theo cảm xúc mà hiếm khi có kế hoạch cụ thế. Người có EQ thấp có tinh thần trách nhiệm kém vì thế khi thất bại, họ hay đổ thừa cho hoàn cảnh và trách móc người khác chứ ít khi nhận lỗi về mình. Ở một góc độ khác, họ thường tự dằn vặt mình khi mắc phải sai lầm nhưng lại không rút ra được kinh nghiệm để lần sau không phạm phải sai lầm tương tự.Nếu làm việc với một tập thể, họ sẽ không biết phối hợp hiệu quả với những người trong nhóm và nếu được giao quyền trưởng nhóm, họ sẽ không biết cách phân công và sắp xếp công việc mà thường hay sa đà vào việc cãi vã vì những chuyện nhỏ nhặt.

4. Có khả năng thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội kém

Người có EQ kém thường ít chấp nhận sự khác biệt mà có khuynh hướng bài xích tẩy chay và ghét bỏ những gì mình không quen thuộc. Vì thế các mối quan hệ xã giao của họ thường khá đơn điệu và nhàm chán. Đừng ngạc nhiên nếu họ đánh giá sai về năng lực hoặc tính cách của một người nào đó. Họ dễ ganh ghét trước thành công của người khác và hả hê, mỉa mai châm biếm khi người khác gặp thất bại. Tuy nhiên họ cũng rất thích những lời nịnh bợ ngon ngọt do đó rất dễ bị lợi dụng.

Trong các mối quan hệ cá nhân, họ thường ích kỷ chỉ biết đến cảm xúc của bản thân mà ít khi nghĩ đến cảm xúc của người khácvì thế thường có những đòi hỏi không hợp lý về mặt tình cảm và trách nhiệm khiến cho mối quan hệ của họ dễ bị rạn nứt. Khi mối quan hệ của họ bị tan vỡ, họ thường có khuynh hướng xem mình là nạn nhân, tự hành hạ bản thân và thù ghét đối phương chứ ít khi nào nhận lỗi về mình và có cách cư xử văn minh.

Bạn nên đọc: 12 dấu hiệu của một người có EQ thấp

III. Những đặc điểm của người có EQ cao

Ngược lại với những người có EQ thấp, người có EQ cao sẽ có những đặc điểm nổi bật sau đây:

1. Có khả năng định nghĩa và quản lý tốt những cảm xúc của mình

Họ có khuynh hướng tự hóa giải những cảm xúc tiêu cực như buồn, giận, ghen tức, đau khổ, chán nản… mà không cần nhờ tới sự hỗ trợ của các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá… hoặc cần sự an ủi của người khác. Khi gặp khó khăn họ không dành nhiều thời gian cho những việc than thân trách phận mà tập trung tìm cách giải quyết vấn đề, không để cho cảm xúc cá nhân ảnh hưởng tới công việc chung hoặc cảm xúc của người khác.

Tìm hiểu thêm:  Wingman là gì? Làm thế nào để trở thành một Wingman xịn?

2. Có khả năng phán đoán và nhận diện chính xác cảm xúc của người khác

Họ rất nhạy cảm trong việc nhận biết được cảm xúc của người đối diện qua những cử chỉ, hành động, giọng nói, nét mặt…Từ đó họ sẽ điều chỉnh cảm xúc của mình, cân nhắc lời nói và hành động của mình cho phù hợp để đạt được mục đích giao tiếp tốt nhất và tránh những mâu thuẫn xung đột không đáng có. Người có EQ cao hiếm khi để mình rơi vào những tình huống tranh cãi thị phi vô bổ hoặc với những người không đáng tranh cãi.

3. Có những giới hạn, yêu cầu và kỳ vọng hợp lý cho bản thân và cho người khác

Họ biết được điểm dừng về năng lực của bản thân và những người xung quanh nên họ sẽ không đặt ra những yêu cầu vô lý, dồn ép người khác vào đường cùng đồng thời cũng không bị người khác lôi kéo hoặc thách thức. Khi gặp thất bại, họ sẽ tìm căn nguyên của vấn đề và nghĩ cách khắc phục sai lầm chứ không dành quá nhiều thời gian để than trách hoặc đau khổ.

4. Có tinh thần trách nhiệm cao và hiệu quả công việc cao

Do hiểu rõ những giới hạn và khả năng của bản thân mình, họ biết cách nhận những trách nhiệm hợp lý, hoàn thành tốt chúng và không đổ thừa cho hoàn cảnh và người khác. Họ cũng biết cách phân bổ thời gian và cường độ công việc hợp lý để bản thân không bị stress hoặc phung phí thời gian vô ích.

5. Biết cách yêu thương và tôn trọng bản thân mình

Họ biết cách giữ cho tâm trạng mình ở trạng thái cân bằng và thoải mái, không bị những yếu tố ngoại cảnh không đáng tác động. Họ biết thiết lập và duy trì những mối quan hệ tích cực đồng thời hạn chế những mối quan hệ tiêu cực. Họ không để bản thân mình sa đà vào những cảm xúc như hận thù, ganh tị… và cũng không để cho người khác điều khiển dẫn dắt cảm xúc của mình.

6. Có đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú

Vì người có EQ cao có khả năng “tự chữa lành vết thương” và “tự giải trí”, họ thường chọn những hoạt động tinh thần và thể chất lành mạnh như chơi thể thao, nghe nhạc, đọc sách, trồng cây… để thư giãn thay vì đi đến những nơi đông người như quán bar, vũ trường hoặc những nơi ăn nhậu với bạn bè. Người có EQ cao cũng hiếm khi lạm dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá hoặc ma túy để lấy lại cân bằng về mặt tinh thần.

7. Tạo cảm giác an toàn và tin tưởng cho người khác

Họ biết cách lắng nghe, cảm thông, chia sẻ, và đưa ra lời khuyên hợp lý đồng thời không có những đòi hỏi quá đáng bất hợp lý với người khác. Họ luôn quan tâm tới sự thay đổi về cảm xúc của người khác nhưng không dễ dàng để bị cảm xúc hoặc quyết định của mình bị chi phối bởi cảm xúc của đối phương. Trong những trường hợp người thân hoặc bạn bè không kiểm soát được cảm xúc, họ luôn là người bình tĩnh và là chỗ dựa về mặt tinh thần.

8. Biết cách động viên và tạo cảm hứng cho người khác

Họ đưa ra những thử thách hợp lý, khơi gợi những tiềm năng, phân tích thấu đáo lợi hại của một vấn đề và luôn lấy bản thân mình để làm gương. Khi thất bại, họ sẽ không đổ lỗi trách móc mà sẽ động viên khích lệ, phân tích những điều đúng sai để người kia có thể rút kinh nghiệm. Họ là những người lãnh đạo tuyệt vời trong việc tạo cảm hứng cho nhân viên đồng thời khiến nhân viên tin tưởng và nể phục.

Đọc tiếp: Rèn luyện chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) cho con trẻ như thế nào?


Xem thêm:
  • Cảm xúc ảnh hưởng tới cơ thể của bạn như thế nào?
  • PTSD là gì? Vượt qua rối loạn căng thẳng sau sang chấn như thế nào?
  • Peer Pressure và cách vượt qua áp lực trước thành công của bạn bè
  • Phản kháng tâm lý: tại sao bạn cảm thấy khó chịu khi bị người khác kêu làm việc mình định làm?
  • 4 kiểu hướng nội, bạn thuộc kiểu người hướng nội nào?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *