Tiêu chảy ở trẻ nhỏ là một trong những bệnh lý thường gặp khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Khi bị tiêu chảy trẻ thường rất dễ bị mất nước, mất điện giải, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu và chia sẻ một số cách trị tiêu chảy cho bé hiệu quả, an toàn.
1. Tổng quan về bệnh lý tiêu chảy ở trẻ nhỏ
1.1 Những nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ?
– Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ là do virus Rota. Bệnh thường chủ yếu xuất hiện vào mùa đông, thời gian ủ bệnh là từ 12 giờ đến 5 ngày và kéo dài từ 3 ngày đến 1 tuần.
– Trẻ bị nhiễm khuẩn do vi khuẩn Coli, dịch tả…
– Trẻ bị dị ứng với protein trong các loại thực phẩm, thịt, cá sữa…
– Trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường ruột, chẳng hạn như bệnh viêm ruột, viêm ruột thừa, tắc ruột…
– Chế độ sinh hoạt, ăn uống của trẻ chưa hợp lý: Trẻ ăn nhiều thực phẩm chưa được đun chín, nấu sôi, chế biến không đảm bảo an toàn…
– Bên cạnh đó, ngộ độc thực phẩm cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị tiêu chảy, nôn ói, đi ngoài nhiều…
1.2 Trẻ nhỏ bị tiêu chảy có những dấu hiệu nhận biết nào?
– Khi bị tiêu chảy, tần suất đi ngoài của trẻ nhiều hơn mức bình thường, thông thường là từ 3 lần trở lên.
– Phân của trẻ lỏng, nát, nhiều nước, dạng lổn nhổn, có bọt, màu xanh, vàng và có thể có kèm máu…
– Trẻ bỏ bú, biếng ăn…
– Trẻ nôn ói thường xuyên.
– Trẻ có hiện tượng mất nước: uể oải, môi khô, sụt cân…
2. Mách cha mẹ cách trị tiêu chảy cho bé hiệu quả?
Trẻ bị tiêu chảy thường sẽ gây ra tình trạng mất nước, mất điện giải. Do đó, khi trị tiêu chảy cho bé, cha mẹ cần lưu ý phối hợp bù nước, bù điện giải cho trẻ đồng thời kết hợp với việc điều trị triệt để nguyên nhân gây bệnh.
Thông thường tiêu chảy ở trẻ nhỏ với những trường hợp nhẹ thì sau khi thăm khám, bác sĩ có thể kê đơn thuốc và cho trẻ điều trị, theo dõi tại nhà.
Dưới đây là một số cách trị trị tiêu chảy cho trẻ hiệu quả, an toàn mà cha mẹ cần lưu ý để giúp cải thiện tình trạng bệnh.
2.1 Trẻ bị tiêu chảy cần bù nước, điện giải
Trẻ bị tiêu chảy sẽ dẫn đến tình trạng mất nước, mất điện giải. Do đó cách điều trị hiệu quả, an toàn đó chính là bù nước và điện giải cho trẻ nhanh chóng. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý pha liều lượng theo chỉ định trên bao bì.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể bổ sung thêm cho trẻ nước trái cây để giúp trẻ bổ sung thêm dưỡng chất, tăng cường đề kháng.
2.2 Chú ý về dinh dưỡng của trẻ
Khi bé bị tiêu chảy, cơ thể thường mệt mỏi, suy nhược, do đó cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng để nhằm giúp trẻ tăng cường thể lực và phục hồi sức khỏe.
Nếu trẻ đang còn bú mẹ thì mẹ cần chú ý cho trẻ bú tăng cữ hơn bình thường để bổ sung lượng nước đã mất.
Với những trẻ lớn thì vẫn cho trẻ ăn uống bình thường, có thể chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, lựa chọn cho trẻ các thực phẩm dễ tiêu hóa, mềm, lỏng như: cháo, súp, canh…
Hạn chế cho trẻ dùng các thực phẩm chiên, xào, rán, đồ ngọt, thực phẩm tái sống, có ga…
2.3 Bổ sung thêm lợi khuẩn
– Men vi sinh giúp cung cấp hệ vi khuẩn cho trẻ, giúp trẻ tăng sức đề kháng của hệ tiêu hóa, từ đó kìm hãm sự phát triển của các tác nhân gây bệnh như: virus, ký sinh trùng, vi khuẩn… và giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh.
3. Trẻ bị tiêu chảy khi nào cần đưa trẻ đến viện ngay?
Nếu cha mẹ đã áp dụng những biện pháp kể trên mà bệnh vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, đồng thời có các triệu chứng bất thường dưới đây thì cha mẹ cần đưa trẻ đến viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị đúng cách:
– Trẻ sốt cao không giảm; trẻ khát nước, mất nước, da khô, môi khô, mắt trũng, người li bì.
– Trẻ khóc không ra nước mắt hay trong 4 đến 6 giờ mà số lần đi tiểu ít, trẻ ăn kém, bú kém, nôn nhiều, phân có kèm máu.
– Hiện tượng tiêu chảy chuyển dần sang kiết lỵ.
– Trẻ bị li bì, khi ngủ khó đánh thức hoặc có dấu hiệu của co giật.
4. Những biện pháp phòng tránh tình trạng tiêu chảy ở trẻ cha mẹ cần lưu ý?
Để phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ hiệu quả, cha mẹ cần lưu ý một số biện pháp dưới đây:
– Lưu ý sau khi trẻ chơi đùa hoặc trước và sau khi ăn cha mẹ cần rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ cho trẻ.
– Với trẻ nhỏ cha mẹ cần lưu ý vệ sinh bình sữa đặc biệt là những dụng cụ đựng thức ăn của bé bằng nước sôi và để lau khô trước khi sử dụng.
– Để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, đặc biệt là đường ruột, mẹ cần cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời bởi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chứa nhiều kháng thể rất tốt cho trẻ nhỏ.
– Đảm bảo nguồn nước sử dụng trong nhà sạch sẽ, đặc biệt cần tránh cho trẻ bé tiếp xúc với người bệnh.
Có thể nhận thấy, tình trạng tiêu chảy ở trẻ là bệnh lý khá nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm cho trẻ nếu cha mẹ không phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời. Do đó, cha mẹ cần nắm chắc những kiến thức và dấu hiệu nhận biết bệnh tiêu chảy ở trẻ để từ đó có biện pháp điều trị hiệu quả, tránh những hệ lụy không mong muốn có thể xảy ra với trẻ.
Nguồn Tham Khảo: BV Thu Cúc VN