Trẻ nhỏ thường có nguy cơ cao với hội chứng sốt cao co giật. Nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời có thể để lại những hệ lụy xấu về sau, nguy hiểm hơn có thể đe dọa trực tiếp tính mạng của trẻ. Do đó, việc nắm được cách xử trí sốt cao co giật ở trẻ em sẽ giúp cha mẹ phòng ngừa cũng như giảm thiểu những nguy cơ xấu có thể xảy ra đối với trẻ.
1. Giúp cha mẹ tìm hiểu về sốt cao co giật
1.1 Khái niệm sốt cao co giật là gì?
– Sốt là một phản ứng thường gặp ở trẻ nhỏ do nhiều nguyên nhân gây ra, nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến sốt cao gây co giật.
– Tình trạng co giật do sốt cao thường gặp nhất ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do não bộ của trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện, do đó nó có sự nhạy cảm với các rối loạn nhiệt độ trong cơ thể.
1.2 Những ảnh hưởng khi trẻ bị sốt cao co giật?
– Khi co giật, trẻ có thể có các biểu hiện kèm theo như: trẻ bị nôn, sùi bọt mép, mặt tím tái, tăng trương lực cơ và co giật.
– Hầu hết các trường hợp co giật do sốt cao ở trẻ nhỏ thường là ngắn dưới 5 phút.
– Hiện tượng co giật gây nguy hại cho sức khỏe cũng như não bộ của trẻ. Khi tình trạng này kéo dài, nhất là khi cơn co giật kèm nôn mửa, nếu không biết xử trí kịp thời và đúng cách, trẻ có thể bị tử vong do tắc thở vì ngạt khí hoặc bị viêm phổi nặng do chất nôn từ dạ dày trào ngược lên thực quản và đường thở khiến cho phổi bị tổn thương.
– Trẻ được xác định là sốt khi đo nhiệt độ ở vùng nách từ 37,5 độ C trở lên. Nhiệt độ từ 37,5 đến 38 độ C là sốt nhẹ, từ 38 đến 39 độ C là sốt vừa và từ 39 đến 40 độ C là sốt cao; từ 40 độ C trở lên là sốt rất cao.
1.3 Trẻ sốt cao co giật có những dấu hiệu nhận biết nào?
– Khi xảy ra hiện tượng này, chân tay trẻ sẽ co cứng lại, sau đó co giật, hai mắt trợn ngược;
– Trẻ bị ngừng thở trong vài giây, nôn mửa, có thể việc tiểu tiện và đại tiện không tự chủ.
– Sau cơn co giật trẻ thường rất mệt, rũ rượi và buồn ngủ.
– Trẻ có thể mơ màng, nhầm lẫn sau khi co giật nhưng sau đó sẽ phục hồi lại trạng thái bình thường nhanh, trong vòng 1 tiếng.
2. Xử trí sốt cao co giật ở trẻ em như thế nào cho đúng cách?
Nhiều cha mẹ luống cuống, không biết phải xử trí sốt cao cao giật ở trẻ em như thế nào cho đúng cách, do đó nhiều tình huống có thể vô tình gây tổn thương cho trẻ.
Dưới đây là một số cách hướng dẫn cha mẹ cách xử trí khi trẻ gặp phải tình trạng này:
Bước 1:
– Cha mẹ đặt trẻ nằm xuống khu vực bằng phẳng, thoáng mát, sạch sẽ, tránh các vật cứng, sắc nhọn.
– Sau đó đặt trẻ nằm nghiêng, đầu hơi ngửa để giúp khơi thông đường thở. Do khi bị co giật, trẻ không thể nuốt được, đờm chảy nhiều sẽ dễ gây ngạt đường thở, nguy hiểm hơn, nếu rơi vào phổi có thể gây ngừng thở nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
– Bên cạnh đó, cha mẹ cần nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo.
– Đặc biệt, tuyệt đối không được dùng vật cứng ngáng miệng trẻ vì có thể gây tổn thương răng và xương hàm.
– Sau lần co giật thứ nhất, đợi trẻ hết cơn, cha mẹ có thể cho khăn mỏng đặt vào vào giữa 2 hàm răng của trẻ để tránh cơn co giật sau rồi sau đó đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ can thiệp, xử lý.
– Không được cố giữ chân giữ tay trẻ vì làm vậy có thể gây chấn thương cơ xương khớp của trẻ.
Bước 2: Tiếp đến, dùng khăn sạch, mềm nhúng vào nước ấm, vắt khô nước sau đó lau khắp người trẻ, lưu ý cần lau nhiều ở khu vực bẹn, nách, và lau liên tục cho đến khi trẻ hết cơn co giật thì dừng lại.
Bước 3: Có thể đặt 1 viên hạ sốt vào hậu môn của trẻ, bởi trẻ đang co giật uống rất khó và dễ gây sặc. Cha mẹ cần lưu ý dùng hàm lượng paracetamol với liều lượng là 10-15mg/kg cân nặng.
Bước 4: Khi trẻ ngưng cơn co giật, cha mẹ cần lật trẻ nằm nghiêng sang một bên để nếu trẻ có thể dễ dàng nôn chất nôn sẽ đi ra ngoài.
Bước 5: Nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu để được bác sĩ thăm khám điều trị và phòng tránh cơn co giật có thể tái phát.
3. Những biện pháp phòng tránh sốt cao co giật ở trẻ nhỏ?
Tình trạng sốt co giật ở trẻ nhỏ rất dễ tái phát. Tuy nhiên, nếu cha mẹ biết cách phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi trẻ bị sốt thì sẽ phòng tránh được các cơn co giật có thể xảy ra ở trẻ.
Dưới đây là một số cách phòng tránh cơn co giật khi trẻ bị sốt mà cha mẹ cần lưu ý áp dụng:
– Khi trẻ bị sốt cao cần đưa trẻ đi khám để điều trị sớm.
– Cần tăng cường cho trẻ uống nhiều nước hoặc với trẻ nhỏ thì bú nhiều lần hơn; bổ sung nước điện giải, nước cam, chanh để bù nước và tăng sức đề kháng cho trẻ.
– Khi trẻ bị sốt cần cởi bớt quần áo, mặc quần áo thoáng mát, không ủ ấm hoặc bọc kín trẻ.
– Cho trẻ nghỉ ngơi ở khu vực thoáng mát, sạch sẽ
– Thường xuyên theo dõi thân nhiệt của trẻ bằng cách cặp nhiệt độ liên tục.
– Khi trẻ bị sốt, cần lau người cho trẻ bằng nước ấm, dùng thuốc hạ nhiệt khi nhiệt độ từ 38,5 độ C trở lên.
– Cho trẻ ăn các đồ ăn lỏng dễ tiêu hóa như: cháo, sữa, súp, canh… hoặc các món bé thích ăn để giúp bé nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Sốt cao co giật có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ nếu không phát hiện và xử lý đúng cách. Do đó, để đề phòng co giật khi sốt cao cha mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ khám và chẩn đoán sớm.
Nguồn Tham Khảo: BV Thu Cúc VN