Gốc rễ của bất hạnh là sự so sánh, cứ hễ so sánh thì tự nhiên có cái khổ tiềm ẩn đi theo ngay. Có cái khổ ngay, có cái khổ từ từ, cái này anh em phải chịu khó quan sát ngay trên bản thân mình và cả những người xung quanh thì sẽ dễ phát hiện ra.
Một đứa trẻ mù một mắt, sinh ra trong một ngôi làng toàn người mù thì cả đời nó sẽ thấy hạnh phúc và có phước, vì có một mình nó là cảm quan được màu sắc của thế giới xung quanh tuyệt vời đến thế nào.
Nhưng cũng là đứa trẻ mù một mắt đó, mà anh em đưa qua một ngôi làng khác, mà làng này ai cũng sáng đủ 2 mắt… thì chỉ sau một thời gian là nó sẽ thấy bất hạnh ngay lập tức.
Dù ở môi trường nào, cái tâm so sánh của chúng ta cũng luôn được kích hoạt. Nếu thấy của mình hơn của người ta, thì mình sẽ thấy mình hạnh phúc. Còn nếu thấy của mình thua của người ta, thì mình sẽ thấy mình bất hạnh ngay. (Đọc thêm trên Menback: 5 cấp độ của tâm so sánh)
Không so sánh thì không hạnh phúc mà cũng không bất hạnh.
Không so sánh là cái niềm vui tự tại, nó rất khác với cái định nghĩa hạnh phúc mà chúng ta hay dùng. Vì hạnh phúc ở game đời mà chúng ta hay theo đuổi, chỉ xuất hiện khi có cái tâm so sánh đang diễn ra mà thôi.
So vật chất, so tài năng, so tri thức, so sắc đẹp, so con cái, so quyền lực, so danh tiếng, cái gì cũng so được… ngay cả khổ cũng so, xem ai khổ hơn ai. Hạnh phúc cũng so, ai hạnh phúc hơn ai. Đến cả trí tuệ rồi… mà vẫn so ai trí tuệ hơn ai. Trí tuệ dưới cái bóng của tâm so sánh thì nó vẫn là trí tuệ ảo, nên anh em phải quan sát tâm trí của mình cho thật kỹ.
Có so sánh, rồi có hạnh phúc thì cái hạnh phúc đấy cũng ngắn ngủi lắm anh em ạ, vì hơn người này cái này… nhưng lại thua người kia ở cái khác.
Cả việc ‘biết đủ’ mà người ta còn so sánh được, là tôi biết đủ hơn anh kia, hơn chị kia. Nên nói biết đủ là hạnh phúc nhưng phải đủ với cái tâm không so sánh. Chứ không, sẽ dễ rơi vào việc so sánh cái ‘danh’, tôi thiện hơn, tôi buông bỏ tốt hơn v.v… cái này vi tế lắm.
Trong nghề tôi đang làm, thì nhóm kỹ sư chủ chốt cũng sắp bước qua U70 hết rồi, gần như không có thế hệ tiếp nối. Nên hồi cách đây 6-7 năm, công ty đầu tiên tôi làm, họ đã bắt đầu xây dựng một đội kỹ sư thay thế bên Ấn Độ, một là rẻ, hai là dân Ấn cũng giỏi về kỹ thuật công nghệ. Đến giờ thì đội bên Ấn đã hơn 60 người, còn đội bên tôi thì chưa đến 4 người mà hết 3 người còn vài năm nữa về hưu rồi.
Tôi chưa bị thay thế là vì có tầm 30-40% bo mạch cần bảo mật cao, không thể đưa thông tin ra nước ngoài, nên bắt buộc phải làm tại đây, đó là tại sao tôi còn đất sống, chứ nuôi 1 ông kỹ sư Mỹ thì bằng nuôi 10-15 ông bên Ấn.
Hồi cách 3-4 năm, ông trưởng kỹ sư bên Ấn được cử qua Mỹ để học thêm kinh nghiệm trong vòng 1 tháng. Ông này chắc lớn hơn tôi vài tuổi, nhưng cái tôi ấn tượng đầu tiên là ổng gặp ai cũng cúi đầu chào rất khiêm cung. Nguyên nhân mà ổng được qua đây là vì ổng là kỹ sư giỏi nhất trong nhóm 60 người kia, qua để học nghề rồi về dạy thêm cho tất cả kỹ sư còn lại bên đó.
Ổng bảo với team tôi thế này, được qua Mỹ tu nghiệp, là một vinh dự cả đời của ổng… chưa kể còn được học làm bo mạch cho quân đội với tàu con thoi nữa thì quá tuyệt vời. Nhìn ổng mà tôi còn thấy hổ thẹn, vì tôi đi làm bên đây mỗi ngày, mà chưa chắc đã thấy hạnh phúc và tự hào được như ổng.
Gần đến cuối tháng sắp về nước, ổng bảo với một anh đồng nghiệp, chiều nay anh ấy rảnh, có thể chở ổng ngang qua Disney Land, cách đó 15 phút, để ổng đứng trước cổng chụp 1 tấm hình được không?
Hỏi ra, là ổng muốn chụp tấm hình kỹ niệm để về cho 2 đứa con ổng xem, vì tụi nó rất mê các nhân vật của Disney lắm, nhất là cái Disney ngay khu tôi là to thứ 2 thế giới.
Tôi nghe mà chạnh lòng, vì mỗi ngày tôi đi ngang chỗ đó 2 lần, cũng đã vào bên trong một lần. Vậy mà hạnh phúc của một anh kỹ sư tận bên Ấn qua, chỉ là được chụp một tấm hình đứng trước cổng, có cái lâu đài hay quảng cáo đầu phim Disney là quá hạnh phúc rồi.
Ảnh tâm sự, chắc cả đời, gia đình ảnh cũng không có dịp qua đây để vào đó chơi được, thôi thì xem qua Tivi hay video online vậy.
Nhìn ảnh, tự nhiên rất nhiều nỗi khổ trong tôi tan biến hẳn, vì tôi cũng đang so mình với những cái quá xa vời, trong khi cái ‘bình thường’ của mình mỗi ngày lại là ‘thiên đường’ của người ta.
Nên sự thật, đa phần của cái khổ hay bất hạnh của chúng ta đều là khổ ảo hết, do chính cái tâm so sánh này tạo nên.
Không so sánh thì không bất hạnh. Nếu có so thì hãy so để mình tốt lên, chứ đừng so để làm mình khổ hơn, tham hơn, sân hơn. Tốt nhất, rốt ráo nhất, là không so sánh gì cả, nhưng ở đời thì chắc tương đối thôi, ít nhiều cũng phải so tý tý.
Điển hình như anh em nào đang bế tắc cuộc đời, thì cứ đi phát cơm thử trong các bệnh viện ung bướu hay viện bỏng nào đấy, phát tầm 2 ngày là anh em tự nhiên bớt khổ ngay. Anh em nên thử đi!